Cậu bé có sức học không quá xuất sắc và gia đình cũng không thuộc loại có "của ăn của để". Mong muốn của gia đình là cháu được đào tạo ở một quốc gia tiên tiến để có cơ hội tìm kiếm một công việc có thu nhập tốt sau khi tốt nghiệp.
Chị được giới thiệu về các chương trình "du học nghề" tại châu Âu,ànghèomuốnduhọvương giả vinh diệu apk chẳng những hoàn toàn miễn phí mà còn có học bổng, sau khi tốt nghiệp, học viên được hứa hẹn có thể tiết kiệm mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Nhưng chị Nga vẫn mang nhiều băn khoăn, nghi hoặc.
Tài chính cũng là mối quan tâm lớn nhất của những phụ huynh khi tiếp xúc với tôi trong ngày hội mở cửa trường - nơi tôi đang giảng dạy tại Pháp. Đây là hoạt động định kỳ của nhiều trường, nhằm giới thiệu về chương trình cũng như giải đáp thắc mắc của những sinh viên tiềm năng và gia đình. Nhiều bậc cha mẹ hỏi tôi về vấn đề tài chính dù họ quan tâm tới những lộ trình đào tạo khác nhau. Khi giải đáp các thắc mắc của phụ huynh tại Pháp, tôi bỗng nghĩ tới thắc mắc của chị Nga, cũng như nhiều gia đình ở Việt Nam, mong muốn con cái được đi đây đi đó, nhưng tài chính là một rào cản.
Du học ngày nay không hẳn chỉ dành cho sinh viên từ các nước có nền giáo dục thấp hơn đến các nước tiên tiến hơn. Khái niệm du học ngày nay còn là dịch chuyển quốc tế khá cởi mở với nhu cầu xây dựng những kỹ năng thích ứng trong môi trường mới. Chương trình đào tạo của trường tôi bắt buộc sinh viên phải có những học kỳ trao đổi hay thực tập tại nước ngoài. Vì vậy, việc sinh viên Việt Nam muốn ra nước ngoài du học là một nhu cầu rất chính đáng. Sinh viên Việt Nam đi du học thường có bốn dạng.
Nhóm thứ nhất là những em có sự hỗ trợ từ gia đình với tiềm lực tài chính dồi dào. Kế đến là những sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc, ví dụ từng đoạt các giải thưởng quốc tế danh giá hoặc có những đóng góp cực kỳ nổi bật cho cộng động, nên nhận được các học bổng có giá trị tài chính cao từ những nguồn danh giá. Tuy nhiên, tỉ lệ này khá ít ỏi, tương ứng với sự đặc biệt xuất sắc. Thứ ba là những sinh viên tuy không thuộc nhóm có thành tích đặc biệt xuất sắc nhưng vẫn nhận được những suất học bổng của các trường đại học từ nước ngoài. Thực tế, giá trị các suất học bổng này thường chỉ dừng lại ở một mức phần trăm nào đó so với học phí và sinh hoạt phí. Các em cũng phải đạt thành tích nhất định và phải có khả năng chi trả phần chi phí còn lại. Nhóm thứ tư liên quan các gia đình có tiềm lực tài chính hạn chế nhưng quyết tâm đầu tư cho việc học của con ở nước ngoài. Những thị trường giáo dục tiên tiến nhưng chi phí thấp là ưu tiên của họ. Sau đó, sinh viên sẽ phải tự xoay xở nhiều cách để có thể chi trả cho việc du học của mình.
Trường hợp của chị Nga nằm trong nhóm thứ tư - du học "nhà nghèo" - mà tôi vừa nêu ở phần trên. Rất nhiều trong số đó đang được giới thiệu đến các chương trình "du học được trả lương" đầy mê hoặc. Điều đó thôi thúc tôi chia sẻ về câu chuyện này.
Tại Pháp và nhiều quốc gia châu Âu khác, ngoài việc theo học hệ đào tạo truyền thống của nhà trường, ngày càng nhiều sinh viên mong muốn được theo hệ đào tạo kép luân phiên giữa trường và doanh nghiệp. Với loại hình này, sinh viên sẽ được doanh nghiệp chi trả toàn bộ học phí cũng như được trả lương ở mức nhân viên tập sự, tức giải quyết được một phần khó khăn tài chính. Thời gian biểu của sinh viên được chia đôi, xen kẽ giữa thời gian học tại nhà trường và thời gian làm việc tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, để được theo các chương trình này, sinh viên trước hết phải đủ điều kiện được nhà trường nhận học cũng như có những kỹ năng, tác phong phù hợp để bắt đầu làm việc ở doanh nghiệp.
Để chi trả lương và học phí của một nhân viên, doanh nghiệp phải bị thuyết phục bởi tiềm năng của chính ứng viên. Ngoài ra, để đảm đương đồng thời nhiệm vụ tại doanh nghiệp và nhiệm vụ tại nhà trường, sinh viên phải có khả năng chịu đựng áp lực và biết cách tổ chức cuộc sống. Sự hòa nhập với doanh nghiệp cũng là một vấn đề nhức nhối với chính sinh viên bản xứ. Theo thống kê, hai trong ba sinh viên theo hệ đào tạo kép luân phiên tại Pháp mong muốn thay đổi doanh nghiệp giữa quá trình đào tạo. Các nước châu Âu khác khi triển khai hệ đào tạo này cũng gặp những trở ngại tương tự. Nói cách khác, để một sinh viên Việt Nam đến châu Âu và bắt đầu ngay chương trình đào tạo kép luân phiên, là chuyện không đơn giản.
Trước tiên, sinh viên phải đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về ngôn ngữ bản xứ ở mức có khả năng tự chủ trong học tập và làm việc. Yêu cầu này thường ở mức B1 (theo "Khung tham chiếu chung của châu Âu về ngôn ngữ" - CEFR) đến B2, tương đương 500 đến 750 giờ ôn luyện. Đó là con số lý thuyết, thực tế sẽ cần nhiều hơn thế. Đây là một thời lượng không hề nhỏ và chi phí bỏ ra cũng không ít. Kế đến, để có thể được nhận vào doanh nghiệp, ứng viên phải có những kỹ năng mềm nhất định - điều không thể được xây dựng trong một sớm một chiều. Tất cả đều phải được tính toán đầu tư, không hề miễn phí. Thêm vào đó, lương trong quá trình đào tạo thường ở mức khá thấp so với mức lương tối thiểu, và lương sau khi tốt nghiệp sẽ bị khấu trừ rất nặng các khoản phí bảo hiểm hay đóng góp xã hội cũng như thuế thu nhập cá nhân. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ cũng là một yếu tố cần phải được tính đến trong bảng tính thu hồi vốn đầu tư.
Du học là con đường tốt để tiếp cận với nền giáo dục đào tạo tiên tiến, cũng như để nâng cao khả năng trải nghiệm và thích nghi với môi trường mới. Tất cả những điều đó tạo nên giá trị của người lao động. Nhưng mỗi người một hoàn cảnh, nên cần có những tính toán phù hợp, không nên ảo tưởng, hay nói theo cách của người Âu - Mỹ: không có bữa trưa nào miễn phí.
Võ Nhật Vinh